(ĐĐK) - Ô tô bò lầm lũi trên con đường ngoằn ngoèo len lỏi giữa rừng xanh núi thẳm. Từ TP HCM, đường lên Pleiku (Gia Lai) hùng vĩ hơn với dãy Trường Sơn trùng điệp. Đáng kể nhất là đèo An Khê với khúc cua tay áo đầy hiểm nguy nhưng rất ngoạn mục. Thành phố Pleiku đón du khách bằng không khí mát lành đặc trưng của phố núi...
Ấn tượng Biển Hồ
Đường lên Pleiku, ngoài một vài thị tứ nhỏ xíu thì tịnh không thấy bóng người. Hai bên đường cỏ cây xanh mướt mát như không có gợn bụi nào, thảng hoặc mới có một vài bông dã quỳ trái mùa. Nghe nói, chừng giữa tháng 11 hằng năm dã quỳ mới bung nở, khi đó hai bên đường sẽ là những vạt hoa dã quỳ vàng mê mải. Tôi ấn tượng với loài hoa này bởi một lần đến sân bay Liên Khương - Đà Lạt đúng mùa dã quỳ. Một thảm hoa vàng trải dài hoang hoải đến nao lòng trong nắng gió cao nguyên.
Tôi tới Pleiku vào buổi chiều, nhưng cũng kịp đến thăm Biển Hồ - nơi được biết đến nhiều qua ca khúc “Đôi mắt Pleiku” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Biển Hồ còn được gọi với một cái tên khác là T’nưng, một hồ nước ngọt lớn nằm cách trung tâm thành phố Pleiku của tỉnh Gia Lai khoảng 6 km theo quốc lộ 14. Tôi cũng không nằm ngoài sự thôi thúc của những lời ca điệu nhạc như mời gọi của bài “Đôi mắt Pleiku” để đến với hồ nước lớn giữa bạt ngàn Tây Nguyên nắng gió.
Dulichgo
Người hướng dẫn viên bản địa cho biết, điều thật đặc biệt là dẫu thiên nhiên khắc nghiệt, nắng hạn đến đâu nhưng từ xưa tới nay nước Biển Hồ vẫn chưa bao giờ cạn. Nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, chính sự đong đầy quanh năm của con nước Biển Hồ mà nhiều người ví nơi đây như viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên.
Cùng với Biển Hồ là hồ thủy lợi nằm ngay cạnh nên từ trên cao nhìn xuống cả hai giống như đôi mắt Pleiku trong veo mà quyến rũ. Thời tiết Tây Nguyên vốn nắng nóng oi nồng là thế, nhưng khi du khách đến đây sẽ cảm thấy dễ chịu bởi không khí trong lành và mát rượi. Biển Hồ cũng ghi đậm dấu ấn trong lòng du khách nhờ vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ. Qua con đường dẫn lên Biển Hồ với những rặng thông xanh ngắt hai bên, bạn sẽ bắt gặp bức tranh sống động muôn màu với hoa thơm, chim trời và cá nước.
Đây cũng là địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng những quả đồi đất đỏ bazan, những đồi chè, đồi cà phê trĩu quả. Sau phút giây mãn nhãn với cảnh sắc thiên nhiên, đừng quên thuê thuyền dạo chơi một vòng trên lòng hồ êm ả để cảm nhận khoảng cách rất gần giữa biển biếc và trời xanh. Tha thẩn ở Biển Hồ tới khi “Đôi mắt Pleiku...” đen thẫm lại. Biển Hồ trở nên bí hiểm hơn trong đêm tối và trong bao la đại ngàn.
Phong vị cao nguyên
Điểm thú vị nhất khi đến Pleiku là bạn thỏa sức thưởng thức những món ăn ngon mà không sợ cảnh “chặt chém” như các khu du lịch khác. Những món ăn ngon mà bạn không nên bỏ qua như: phở khô, bún cua, bánh canh bột lọc, bánh bèo chén, lụi, nem...
Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức đặc sản thịt rừng, các món ăn của đồng bào dân tộc ở đây như: gỏi cà đắng, thịt bò nướng ống, thịt heo rừng nướng, cơm lam...
Dulichgo
Bún cua là một món ăn hấp dẫn nhưng đầy thử thách đối với du khách bởi mùi mắm rất nồng. Đây là món ăn nổi tiếng mà người dân Pleiku thường rủ nhau đi ăn vào mỗi buổi chiều. Khám phá và thưởng thức hương vị cà phê đậm đà cũng là điều mà bạn không nên bỏ qua.
Người dân Pleiku thường uống cà phê vào buổi sáng cùng với bạn bè hoặc người thân. Mức giá cà phê trong các quán ở đây rất rẻ với khoảng gần 20.000 đồng cho một ly cà phê đen. Muốn thưởng thức ly cà phê tự mình pha đậm chất Tây Nguyên, nhớ ghé quán Sesan tại góc đường Hùng Vương giao Trần Hưng Đạo. Tại đây, bạn được tận mắt nhìn thấy quy trình để tạo nên một ly cà phê hoàn hảo. Tự thưởng thức ly cà phê nguyên chất do chính mình tạo nên là một trải nghiệm điều thú vị.
Trái ngược với ăn uống, mua sắm ở Pleiku thường rất đắt đỏ. Những mặt hàng quần áo, thổ cẩm, các loại đặc sản... thường được bán với giá rất cao. Nếu muốn mua quà cho người thân, tốt nhất bạn nên nhờ người bản địa dẫn đi mua. Ngoài ra, bạn đừng ngần ngại hỏi người đi đường, người dân ở đây sẽ nhiệt tình chỉ cho bạn những gì bạn cần biết. Chân thành và hiếu khách là hai tính cách nổi bật của người dân Pleiku.
Nói thật, tôi vẫn nghĩ Pleiku là một thị xã xinh đẹp, quyến rũ và đầy ắp phong vị cao nguyên. Vậy mà ở đó tôi đã không nhìn thấy một nét Tây Nguyên nào rõ rệt trong lòng Pleiku. Không một bóng người có chiếc gùi trên lưng, không thấy chú voi nào lừng lững thong thả bước đi, không thấy buôn làng và những mái nhà rông, cũng không nghe được tiếng cồng chiêng hoang dại như tiếng vọng của núi rừng Tây Nguyên...
Dulichgo
Có lẽ cũng bởi mình mới chỉ đặt chân đến trung tâm thành phố. Thế nhưng Pleiku vẫn thật quyến rũ. Tôi không muốn gọi nơi đây là thành phố bởi tôi thấy nó đẹp hơn với tên gọi thị xã Pleiku. Chỉ một đêm với Pleiku nhưng đã đủ để tôi nhớ về những con đường rộng rãi yên bình với những con người không dáng vẻ vội vàng. Nhớ những con dốc nhỏ làm duyên ngay giữa lòng thành phố. Nhớ những cửa hiệu cũ kỹ bán cà phê người ta ngồi trầm tư hàng giờ đầy vẻ thích thú, nhớ cái nắng, cái gió khoáng đạt như chính tâm hồn con người nơi đây.
Điểm dừng chân hấp dẫn ở phố núi Pleiku
- Biển hồ Tơ Nưng: Được biết đến với một cái tên đầy chất thơ và nhạc, “Mắt ngọc phố núi”, nguyên là miệng một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động, cách Pleiku khoảng 6km về hướng Bắc, gần quốc lộ 14B.
- Đỉnh núi Hàm Rồng: Cách Pleiku 11km về hướng Nam, ngay cửa ngõ vào thành phố trên quốc lộ 14B, nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, được coi như nóc nhà phố núi.
- Thác 9 tầng cách thành phố 20km nằm trên địa bàn xã Ia Sao, huyện Iagrai, bắt nguồn từ trên đỉnh núi cao, đổ xuống qua những vách núi đá, xung quanh là hệ sinh thái rừng còn nguyên sơ và hoang dã.
- Thủy điện Ialy: Cách trung tâm Pleiku khoảng 30km về phía Tây Bắc, nằm trên địa bàn 2 huyện Chư Păh (Gia Lai) và huyện Sa Thầy (Kon Tum).
Theo Khôi nguyên (Đại Đoàn Kết)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đăng nhận xét