Là một trong những bản thuần Thái của Con Cuông, từ đầu năm 2016, 7/160 hộ dân Khe Rạn (xã Bồng Khê) đăng ký tham gia mô hình du lịch cộng đồng. Và chúng tôi đã có những ấn tượng khó quên khi được trải nghiệm một đêm ở bản...
< Cầu treo vào bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) - bản du lịch cộng đồng.
Bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) đón chúng tôi vào một buổi chiều ngập nắng, cây cầu treo mềm mại nối liền con đường vào bản với thị trấn Con Cuông chỉ mất 5 phút đi bộ khiến cho những du khách đường xa thấy thật gần gũi. Đứng trên cầu, nhìn từ xa bản như một bức tranh đẹp với rất nhiều cây xanh, cây cổ thụ và đặc biệt là ngập tràn sắc xanh lá cọ, xen lẫn là những mái nhà sàn đặc trưng của người Thái.
Anh cán bộ văn hóa huyện vừa đi vừa giới thiệu: Hôm nay chúng ta sẽ được trải nghiệm một đêm với người dân Khe Rạn, xem họ làm du lịch cộng đồng như thế nào. Và anh dẫn chúng tôi tới nhà ông Lô Huỳnh Lan - một trong 7 hộ ở bản tham gia mô hình du lịch cộng đồng. Từ ngoài ngõ đã nghe tiếng nói cười của các mế, các chị trong ngôi nhà sàn cao to nhất, nhì bản, chủ nhà ông Lô Huỳnh Lan, năm nay 46 tuổi nhanh nhẹn, phấn chấn ra tận ngõ mời khách.
Dulichgo
Ông Lan cho biết: Từ ngày tham gia mô hình du lịch cộng đồng, cả nhà ai cũng vui. Vui vì được đón tiếp khách xa tới thăm gia đình, cùng ăn, cùng ngủ, cùng trò chuyện. Vui hơn nữa là được giới thiệu nhiều phong tục tập quán của người Thái, từ các món ăn truyền thống đến chuyện đám cưới, đám tang hay chuyện dựng nhà, làm nương, nuôi con, chăm con...
< Đêm hội rượu cần.
Như gia đình ông, ngoài vợ chồng, các con ra, mẹ ông năm nay gần 70 tuổi cũng tham gia làm du lịch cộng đồng. Chính bà là người hưởng ứng đầu tiên, khuyến khích, động viên vợ chồng ông rất nhiều.
Để đảm bảo phục vụ khách du lịch, gia đình ông Lan đã đầu tư làm lại hệ thống vệ sinh khép kín sạch sẽ, mua sắm giường chiếu, chăn màn đầy đủ. Như nhà ông Lan hiện nay có thể phục vụ 4 gia đình ăn, ở tại nhà.
Ngoài khám phá, tìm hiểu phong tục tập quán, phong cảnh của người dân nơi đây, một trải nghiệm hấp dẫn khách du lịch mỗi lần về Khe Rạn đó là thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân bản địa và vui rượu cần khi đêm dần buông.
< Cây đa cổ thụ ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (Con Cuông).
5h chiều, khói bếp đã lan tỏa khắp không gian. Trong gian bếp rộng thoáng, có khoảng 6 người phụ nữ vừa trò chuyện vui vẻ, vừa nhanh tay chế biến những món ăn truyền thống. Chị Hà Thị Sâm - tổ trưởng tổ nấu ăn của bản cho biết: Để kịp thời phục vụ nhu cầu của khách. Bản đã thành lập tổ nấu ăn gồm 12 chị có thể phục vụ chục mâm cơm một lúc. Hôm nay có 4 mâm nên chỉ huy động 6 chị thôi.
Dulichgo
Trên những chiếc mâm mây (mâm đặc trưng của người Thái) để giữa gian bếp đã thấy các mế, các chị sửa soạn rất nhiều món. Bà Vi Thị Luyện (66 tuổi) mẹ của ông Lô Huỳnh Lan đang hướng dẫn cách làm mọc - một trong những món được coi là đặc biệt nhất của người Thái, chỉ làm khi có khách quý đến chơi nhà. Để thực hiện món mọc cần có thịt lợn (hoặc thịt gà), sả, chuối rừng, mộc nhĩ, các loại lá, rau rừng băm nhỏ, ớt, tiêu rừng trộn với bột gạo xay nhỏ; lá chuối hơ qua lửa cho thật mềm sau đó bỏ mọc đã trộn đều vào gói lại, hông như hông xôi. Chưa đầy 30 phút đã ngửi thấy mùi mọc thơm lừng bay khắp gian bếp. Bà Luyện nhanh tay nhấc nồi mọc xuống, nhẹ nhành gỡ từng gói mọc nóng hổi cho ra chiếc đĩa to, trang trọng bày chính giữa mâm.
< Chị Lô Thị Nhung (bản Khe Rạn) dạy cho con những thao tác đầu tiên của nghề dệt thổ cẩm.
Cùng với món mọc, còn có món xôi đỏ nếp nương, bánh sừng trâu, canh ột, nộm hoa chuối, thịt gà nướng, thịt lợn nướng ăn cùng lá móc mật, lá sú, lá lội...
Khác với người Kinh, người Thái không chấm bằng nước mắm mà món chấm của người Thái cũng rất cầu kỳ. Ví như để chấm với xôi, người Thái pha chế món chấm bằng cá suối (một loại cá nhỏ màu trắng thịt thơm như thịt gà) hấp chín, sau đó giã nhỏ với muối rang trộn ớt cay rừng; hay món chấm với thịt gà, thịt lợn nướng được chế biến từ cây hẹ giã nhỏ với ớt tiêu rừng và muối trắng.
< Những món ăn hấp dẫn của đồng bào Thái ở khe Rạn.
Dulichgo
Sau khi nấu xong, tất cả những mâm mây được sắp thành hàng theo chiều dọc của ngôi nhà, mâm trên cùng dành cho những người đàn ông có vai vế như chủ nhà, trưởng bản hay khách quý, còn các mẹ, các chị, các em và thanh niên ngồi ở những mâm tiếp theo. Vừa thưởng thức các món ăn, khách được chủ nhà kể những câu chuyện vui về phong tục tập quán, về lễ nghi của người Thái và không quên giới thiệu tỉ mỉ từng món trên mâm khiến cho không khí thêm phần ấm cúng.
Khi bữa ăn dần kết thúc, đã nghe tiếng rộn rã của dàn cồng chiêng dưới sàn nhà. Khách du lịch háo hức bước chân xuống cầu thang. Dưới sân, các chị, các mẹ áo váy thổ cẩm, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ chào đón khách hòa cùng đêm hội rượu cần.
< Vui hội múa sạp tại bản Khe Rạn.
Chính giữa sân, chum rượu cần to đặt trang trọng, trưởng bản Lô Văn Thắng cất giọng mời các thần linh về chung vui với bà con, cảm ơn các thần linh đã phù hộ cho bà con dân bản mạnh khỏe, ruộng vườn tươi tốt... Khi lời cầu xin của trưởng bản vừa dứt, dàn cồng chiêng ngân vang hòa cùng tiếng hát, điệu múa lâm vông... Những chiếc cần rượu được vít xuống, khuôn mặt ai nấy ửng hồng vì men rượu cần, vì tình người nồng hậu.
Dulichgo
Du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho dân bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương... Ở Con Cuông có 4 địa phương đang phát triển du lịch cộng đồng đó là bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa (xã Yên Khê), làng Cằng và làng Xiềng (xã Môn Sơn).
Theo Thanh Thủy - Thu Hương (Báo Nghệ An)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đăng nhận xét