Miền đất của sương sớm mù giăng, của thơm nồng men rượu ngô lúy túy, của bạt ngàn trắng muốt sắc mận tam hoa, của những chợ phiên khi chưa xa đã nhớ... xứ sở non cao đi y là Bắc Hà, một điểm đến lạ quen - quen lạ trong sổ tay kẻ lữ hành miền xuôi.
< Một góc chợ phiên Cán Cấu trên tuyến đường từ Bắc Hà vào Si Ma Cai.
Vòng cung Đông - Tây Bắc luôn là một hành trình hấp dẫn không chỉ bởi những thử thách từ cung đường núi "lật bánh tráng - đổ bánh xèo" ở tứ đại đỉnh đèo, để rồi thăng hoa với cảm giác chinh phục, mà ở các mùa trong năm, mỗi thời khắc lại định hình nên những cung khám phá mới như rong ruổi theo mùa hoa tam giác mạch, theo dấu trà cổ thụ, lên miền cao nguyên đá (Đồng Văn - Hà Giang, Tủa Chùa - Điện Biên), đi dọc Hoàng Liên Sơn...
Còn với những hành trình ngắn ngày, nếu chọn khởi hành dịp cuối tuần, cung đường Bắc Hà - Si Ma Cai sẽ là một trong những điểm đến để có thể chạm vào những nét duyên khác lạ của miền non cao sơn cước xa xôi.
Dinh vua Mèo
Dulichgo
Rời bến xe trung tâm ngay chợ Bắc Hà sau một đêm lắc lư từ Hà Nội, màn sương dày đặc sớm mơ ở Bắc Hà quyện theo những bước chân, đồng hành cùng tôi đến khu dinh thự bề thế của Hoàng A Tưởng - "vua Mèo" của miền cao nguyên trắng.
Ở khắp vùng Đông - Tây Bắc, có hai ông "vua Mèo" nổi danh là Vương Chí Sình (Hà Giang) và Hoàng A Tưởng (Bắc Hà), cả hai đều có những dinh cơ bề thế, hoành tráng, nhưng trong giới lữ hành khám phá, dinh thự vị vua họ Vương ở thung lũng Sà Phìn quen thuộc hơn.
Tọa lạc trên cung đường từ Bắc Hà vào Si Ma Cai, dinh thự Hoàng A Tưởng dễ khiến lữ khách bất ngờ ngay khi nhìn thấy nó, bởi thật khó để hình dung ở một nơi xa xôi lại xuất hiện công trình kiến trúc mang phong cách đậm dấu ấn Tây Âu, với độ bề thế vào bậc nhất toàn vùng Đông - Tây Bắc đến vậy.
Được mệnh danh là "vua Mèo" (vua của người Hmông) nhưng Hoàng A Tưởng là người Tày, hậu duệ của Hoàng Sín Dần - một tộc trưởng giàu mạnh đã định cư ở Bắc Hà từ hơn 200 năm trước. Với lợi thế về gia tộc, Hoàng A Tưởng cùng gia đình sở hữu những đồn điền thuốc phiện rộng lớn, độc quyền giao thương các mặt hàng nhu yếu phẩm, cùng sản vật địa phương với Pháp và sống trong vùng cư dân chiếm đến hơn 80% là người Hmông nên được xem là "vua" một cõi ở Bắc Hà.
Để phô trương thanh thế gia phong, vua Mèo Hoàng A Tưởng đã tạo nên công trình kiến trúc đặc biệt, ông thuê 2 kiến trúc sư Pháp và Trung Quốc thiết kế bản vẽ và giám sát thi công. Dinh thự là sự kết hợp giữa thuật phong thuỷ Á Đông trong cách chọn vị trí xây dựng và kiến trúc Tây Âu kiểu thuộc địa trong các chi tiết trang trí.
Công trình xây dựng năm 1914 và hoàn thiện 1921 với tổng thể rộng đến 10.000 mét vuông. So với các công trình bề thế khác của người miền cao thường sử dụng chất liệu gỗ là chủ đạo, dựng nhà sàn, riêng dinh thự Hoàng A Tưởng được thiết kế hoàn toàn bằng các vật liệu bền vững như xi măng, sắt thép... mang các công năng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, ăn ở của Hoàng A Tưởng, gia đình và đội quân bảo vệ, để lại cho cả miền cao Tây Bắc hôm nay một di sản kiến trúc đáng để tìm hiểu và khám phá.
Cán Cấu đến hẹn lại lên
Dulichgo
Từ Bắc Hà, đi tiếp theo đường vào Si Ma Cai sẽ qua chợ phiên Cán Cấu, cung đường núi này càng thêm đẹp và thơ mộng nếu rong ruổi bằng xe máy. Những dằn xóc, ổ gà, những khúc cua hẹp đầy hiểm trở chỉ làm tăng thêm độ hấp dẫn cho hành trình xuyên qua miền phong cảnh với những thửa ruộng thang từ mùa nước đổ, đến khi vào vụ trổ vàng ươm rực núi đồi. Thăm thú chợ phiên Cán Cấu là dịp để chạm vào nguyên sơ của người bản địa, nơi những cô gái miền cao xúng xính váy áo, rộn niềm vui dồn nén cả tuần giờ mới có dịp bộc lộ.
Chợ họp ngay ven đường trong lòng chảo Cán Cấu, bên những thửa ruộng thang, xa xa là núi non trùng điệp, ranh giới của người bán và người mua gần như không khoảng cách, định hình một không gian văn hóa và sinh hoạt cộng đồng của người Hmông Hoa, Dao, Giáy, Tày, Nùng... dễ nhận thông qua trang phục truyền thống, tạo nên bức tranh đa sắc về đồng bào thiểu số giữa núi rừng.
Dulichgo
Cung đường núi nơi chợ phiên Cán Cấu chia thành nhiều khu bày bán các mặt hàng thiết yếu, từ nông cụ, đồ gia dụng, đến các loại sản vật địa phương, gia súc, gia cầm, khu ăn uống với thắng cố, mèn mén, bún - cháo - phở... và hiển nhiên không thể thiếu hương rượu ngô thơm nức - một đặc sản miền cao, thật lý tưởng cho những ngày trời lạnh, đủ làm mềm môi kẻ lữ hành.
Hoạt động rôm rả với các phiên mua bán lớn ở chợ Cán Cấu là khu vực "triển lãm" hàng trăm con trâu ngay vạt đất đồi đầu chợ. Trâu khắp các vùng từ Bắc Hà, Si Ma Cai, Sín Mần, Mường Khương tụ về Cán Cấu, hình thành một chợ trâu hoành tráng nhất vùng Tây Bắc. Khách hội tụ ở khu chợ trâu đa phần là cánh đàn ông, gồm người mua, người bán, người xem, nghe các lái trâu bình phẩm về diện mạo, cách chọn trâu, xem tuổi trâu để chọn ra trâu ưng ý nhất cho các lần giao dịch. Trâu bán không trôi, đến trưa chủ lại lục tục dắt về, tuần sau lại theo trâu họp chợ.
Dulichgo
Nét bình dị của chợ phiên Cán Cấu luôn mang sức hấp dẫn thú vị cho người dạo chợ, riêng với lữ khách phương xa, dẫu đến một lần, vẫn mong ngày trở lại Cán Cấu để được chạm vào những nét nguyên sơ của chợ phiên miền cao khi chưa bị ảnh hưởng bởi làn sóng du lịch và đô thị hóa.
Theo Nguyễn Đình (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đăng nhận xét