Đừng nghĩ chỉ có xe máy, ô tô mới có thể giúp bạn đi xa. Phượt bằng xe đạp hiện cũng là một thú vui đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn vì vừa rèn luyện được sức khỏe lại không gây ô nhiễm môi trường.
Đã yêu chớ ngại đường xa
Xuân- Thu là hai mùa dân phượt xe đạp “chuộng” nhất. Nếu như mùa thu đem tới cảm giác mát mẻ, se lạnh, đạp xe không lo “toát mồ hôi” thì mùa Xuân lại khiến người trẻ ưa khám phá phải “cuống quýt” . Xa xa kia, khuất sau chốn đô thành ồn ã là những đỉnh núi bạc sương, những non tơ lộc biếc, những biển hoa đang bung nở chào Xuân đẹp “không kình ngạc”.
Nguyễn Hoàng Long – nhân viên trong ngành dinh dưỡng cho biết trước kia, Long ít đi xe đạp lắm. Sau đó, năm 2008, anh tình cờ được mời tham gia chuyến du lịch đạp xe xuyên Việt từ TPHCM về Hà Nội, Long quyết định bỏ ra tới 650 USD để mua một chiếc xe đạp loại tốt. Đi liền trong 13 ngày, khi về tới Hà Nội Long đã không thể từ bỏ xe đạp được nữa.
Chiếc xe đạp giờ đây đã trở thành tri kỷ của Long trên mọi hành trình khám phá vẻ đẹp của Đất nước. Gần như tháng nào, Long và những người bạn có cùng sở thích cũng tìm thấy lý do để đi phượt bằng xe đạp vài ba chuyến. Tháng 11, Long cùng xe đến Sủng Là ( Đồng Văn, Hà Giang) ngắm hoa Tam giác mạch, tháng 12, tháng 1 lại vi vu Mộc Châu ngắm hoa cải trắng, lên Sapa ngắm đào rừng; tháng 2 chinh phục đỉnh Mã Pí Lèng…
Giờ này năm ngoái, Long đang ở Y Tý, cách Hà Nội 300km về phía Bắc, sau đó lại đạp xe tới Lũng Pô – nơi con sông Hồng đỏ nặng phù sa bắt đầu chảy vào đất Việt. Những chuyến đi có thể dài tới hàng trăm km, người bình thường chỉ nghĩ đến việc ngồi ô tô thôi cũng đã ngại, nhưng Long và các bạn lại có thể dễ dàng chinh phục chỉ bằng chiếc xe đạp.
Dulichgo
“Nếu ai đã mê rồi sẽ thấy phượt bằng xe đạp thích vô cùng”. Long thích nhất là cảm giác vừa đạp xe vừa ngắm cảnh trên đường. Tiếng lốp xe lăn trên đường “ràn rạt”, “ràn rạt”, phía sau xe tịnh không có một chút khói bụi nào phả ra. Ngồi trên xe, Long thấy từng giọt mồ hôi túa ra trên người… Cảm giác ấy, chẳng có loại động cơ nào có thể đem lại. Vì yêu xe đạp, sau này, Long đã thành lập diễn đàn “eMong group” (mô phỏng cảm giác đạp xe đạp đến ê mông) – để cùng các bạn trẻ khác chia sẻ tình yêu với xe đạp.
Những bài học ý nghĩa từ chiếc xe đạp
Nói thì vậy nhưng thực ra, phượt xe đạp không hẳn nhàn nhã. Long kể, có những khi anh đạp xe qua Đèo Cả, nếu đúng vào đợt gió to, anh và chiếc xe đạp nhỏ bé như thế bị gió thổi bay xuống vực. Đi vào Háng Tể Chơ – một trong tứ đại Tử địa ở Tây Bắc, bên là vực, bên là núi, những khúc cua tay áo chỉ nhìn thôi cũng đủ chóng mặt, chưa nói là phải tự mình chinh phục trên chiếc xe đạp hai bánh. Rồi lúc phải co cẳng đạp xe lên đèo Cù Mông – đèo không quá cao nhưng lại dễ nản vì cảm giác đạp mãi mà không tới. Những bạn trẻ đạp xe đạp thường nói với nhau, đi đạp xe lên dốc cao 10%, để có thể lên được đỉnh dốc 1.000m phải đạp tới 10km. Thậm chí với dốc cao 12-13%, thì không khác gì đang leo lên bức tường thẳng đứng. Vì thế, bất kỳ ai muốn phượt xe đạp đều cần phải khỏe và dai sức.
Bạn Nguyễn Thùy Linh, cựu sinh viên ĐH KHXH và NV cho biết, phượt xe đạp, không chỉ là thú vui mà còn đẹp lại vô số bài học rất bổ ích. Ấy là sau khi Linh đã vượt qua những chặng đường dài hàng trăm km, hay chinh phục thành công một cung đường hiểm trở, về tới thành phố, Linh thấy những hành động như chen nhau vượt đèn đỏ, giành nhau chỗ đổ xăng…quá tầm thường. “Mình cũng không toan tính nhiều nữa vì biết rằng, thế giới ngoài kia mới thực sự rộng lớn và đang chờ mình chinh phục”.
Dulichgo
Linh cũng sẽ nhớ mãi lần cùng các bạn rủ nhau đạp xe suốt gần 10 giờ đồng hồ để đến thăm bản Chế Tạo – cách trung tâm Mù Cang Chải 35km. Đến nơi, bụng đói cồn nhưng chẳng kiếm đâu ra đồ ăn vì người dân bản Chế Tạo còn rất nghèo. Lúc đó, Linh thấy mình hãy còn quá may mắn khi được sinh ra ở thành phố và có gia đình bao bọc. Từ đó, Linh tuyệt nhiên không còn than thân trách phận hay kêu ca khi gặp phải khó khăn nữa.
Hải, một bạn trẻ có thú phượt xe đạp kể, phượt bằng xe đạp có nguyên tắc là thường phải đi thành đoàn. Người khỏe đạp trước để mở đường. Con gái được ưu tiên đi giữa. Mỗi người có khoảng sức khác nhau, nên người đi trước phải chờ người sau. Khi phát hiện ra người đi sau gặp trục trặc do đến điểm tập kết muộn, các bạn trong đoàn sẵn sàng đạp xe quay lại cứu trợ. “Lần đó, mình bị hỏng xe, sóng điện thoại không có. Mình đang loay hoay tự xoay sở thì các bạn trong đoàn từ đằng xa đang đạp xe tiến lại gần. Mình cảm động đến phát khóc” – Hải kể. Và vì thế, như là sẽ tất yếu, các bạn trẻ khi đã có chung tình yêu phượt xe đạp thì tự khắc sẽ coi nhau như anh em một nhà.
Theo Nam Khánh (Ngày Nay)
Du lịch, GO!
Phượt bằng xe đạp, tại sao không?
Khám phá Huế bằng xe đạp
Kỹ năng phượt bằng xe đạp
Những chuyến độc hành bằng xe đạp
...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đăng nhận xét