(Cinet) - Lễ cúng mụ cho trẻ sơ sinh là một trong những tập tục độc đáo đã tồn tại từ lâu đời của tộc người Nùng Cháo ở xã Xuân Mai, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.
Người Nùng là một bộ phận dân tộc sống ở nhiều tỉnh Miền núi phía Bắc. Người Nùng có nhiều phân hệ với các tên gọi như: Nùng Inh, Nùng Phàn Sình và Nùng Cháo... Người Nùng Cháo ở Lạng Sơn có nhiều tập tục đáng quý, trong đó họ có tập tục cúng mụ. Người Nùng Cháo sau khi sinh đứa trẻ được 3 ngày phải làm lễ cúng tổ tiên, báo cho gia tiên biết gia đình có thêm thành viên mới, tạ ơn bà mụ và cầu an cho đứa trẻ lớn khôn khỏe mạnh.
Nếu đứa trẻ là cháu đầu lòng, chưa làm lễ ‘‘Lẩu mưng’’- đặt bàn thờ khi mang thai 7 tháng, thì trong lễ Sam-nơ, bên ngoại (các cô, dì, chú, bác) mang theo xôi, gà, lợn quay kèm theo bàn mụ, cây hoa cắm và một chiếc nôi đan bằng tre sang bên nhà nội để làm lễ cho cháu.
Dulichgo
Theo quan niệm của người Nùng Cháo, trên đường mang lễ vật sang nhà nội, ông ngoại tuyệt đối không được nói chuyện với bất cứ ai, kể cả khi gặp người quen thân trên đường, ai hỏi gì cũng không được nói bất cứ câu gì, cứ lẳng lặng mà đi thẳng đến nhà nội. Khi đến nơi, ông ngoại đi thẳng vào chỗ đặt bàn thờ mụ, treo bàn mụ lên chỗ đã được nhà nội chuẩn bị sẵn, rồi bắt đầu bày lễ ra cúng. Nếu nói chuyện với người đi đường thì ma quỷ sẽ biết hôm nay làm lễ cúng mụ cho đứa trẻ, ma quỷ sẽ đi theo ông ngoại về đến nhà nội để làm hại đứa trẻ, sẽ làm cháu quấy khóc và gặp điều không may mắn. Cho nên, người dân khi thấy ai cầm nôi và bàn mụ, khi gặp mà không chào hỏi, thì họ biết ngay là gia đình đó đang đi làm lễ cúng mụ cho con cháu
Khi chuẩn bị mâm lễ cúng mụ, nếu là cháu trai thì chuẩn bị gà trống, nếu là cháu gái thì chuẩn bị gà mái mang đến. Ngoài ra, nhà ngoại chuẩn bị hai bát xôi thật đầy, tượng trưng cho hai bầu sữa mẹ để bà đẻ có nhiều sữa, hai bát xôi này chỉ dành cho bà đẻ ăn sau khi cúng. Đặc biệt, có những gia đình còn làm món canh gà nấu gừng nghệ cho vào ống tre (hoặc chai), sau khi cúng thì lấy xuống rót vào chén rượu cho mỗi người uống một chút để mừng cho cháu ra đời khỏe mạnh. Con gà để cúng mụ thì chỉ có bố mẹ đứa trẻ được ăn và phải ăn hết, những người khác không được ăn con gà này. Nếu ăn không hết thì đổ đi chứ tuyệt đối không cho người khác ăn. Theo lý giải của đồng bào, đó là do bà mụ đã làm phép vào con gà, bố mẹ phải ăn hết con gà đó thì hồn vía đứa trẻ mới hòa nhập được cùng với hồn vía bố mẹ, đứa trẻ sớm quen hơi và gần gũi bố mẹ đẻ hơn.
Dulichgo
Trong ngày cúng mụ, nếu có điều kiện, gia đình có thể mời bà Then, thầy Mo đến cúng cầu cho con cháu mình được bình an, khỏe mạnh. Khi bà Then cúng xong, bà ngoại tắm rửa cho em bé, nói một câu chúc tốt đẹp, mong cháu hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh thông minh và may mắn. Cũng có nhà khi cúng xong ông ngoại vào buồng cháu nằm ngủ một giấc, với dụng ý là để cho cháu bé dễ ăn dễ ngủ, chóng lớn và ngoan ngoãn.
Lễ cúng mụ có thể được tổ chức trong một đến hai ngày, làng xóm bạn bè họ hàng đến ăn uống chúc mừng cho đứa trẻ. Quà mừng cho đứa bé thường là gạo, tiền, tấm vải hay quần áo để đứa trẻ lấy lộc.
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, người Nùng nói chung và người Nùng Cháo ở tỉnh Lạng Sơn nói riêng đã xác lập cho mình một diện mạo kinh tế, văn hóa, xã hội khá rõ nét, đồng thời lưu giữ được nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc cho đến ngày nay, lễ Sam-nơ là một trong những nét văn hóa đó.
Theo Dân Tộc Việt
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đăng nhận xét