Nhìn trên bản đồ nước ta, nếu ví von những mũi nhọn, những đỉnh - mỏm địa đầu Tổ quốc chĩa về phía bắc như những ng ón tay vững chãi, thì ta có thể tạm ví đỉnh chính Bắc Lũng Cú, Hà Giang như ngón giữa, dài nhất. Phía đông bắc Móng Cái, Quảng Ninh như ngón tay cái và mỏm Thu Lũm của Mường Tè, Lai Châu là ngón út ở cực Tây Bắc.
Vị trí A Mú Xung ( Lào Cai) và Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) tương đương với vị trí ngón tay đeo nhẫn trên bàn tay kiên cường ấy. Vượt qua tầng tầng lớp lớp núi non nơi mút mùa heo hút biên cương, chúng tôi gặp một phiên chợ đặc biệt của người Dao đỏ ở Sì Lở Lầu, gọi là “chợ Sừng”...
“Chợ Sừng”, chợ lùi, tại sao?
Quãng đường từ trung tâm huyện Phong Thổ vượt dốc lên đỉnh Dào San, chỉ 30 km, thêm chừng 40 km nữa là đến Sì Lở Lầu. Vậy mà chúng tôi đi mất gần một ngày. Con xe Win khỏe và mới thế mà bị hành hạ nhừ tử qua những cung đường y như thơ Quang Dũng “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”, cứ chốc chốc lại phải dừng lại vì máy xe nóng quá, đuối hơi.
Dulichgo
Đến được Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu, các chiến sĩ biên phòng ra đón tiếp rất nồng nhiệt, thấy vẻ bơ phờ của chúng tôi liền giải thích rằng chữ Sì Lở Lầu ở đây là tiếng Dao pha Quan Hỏa, có nghĩa đầy đủ là: xứ ở cao tít trên 12 tầng núi.
Hèn gì! Thiếu tá Nguyễn Đức Triệu, người lên trấn ải ở khu vực Dào San từ năm 1987 chỉ cười bảo bây giờ có đường đi được xe máy, lại không gặp trời mưa, là may lắm rồi. Anh nói còn hên nữa là các anh đến đây đúng dịp, mai có phiên “chợ Sừng” gốc vẫn còn, hay lắm...
Khu vực tám xã biên giới Bắc Dào San thuộc huyện Phong Thổ, Lai Châu là một khu vực đặc biệt (trọn vẹn mỏm “ngón tay đeo nhẫn” chĩa về biên giới phía bắc) cao hơn 1.900 m với cộng đồng ba dân tộc chính sinh sống là Mông, Dao đỏ và Hà Nhì. Trong đó, hai xã Sì Lở Lầu và Ma Li Chải (thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu) là hai xã xa nhất, điểm mút của góc biên giới, cư dân hầu hết là người Dao đỏ. Đối diện bên kia biên giới Trung Quốc là xã Sì Lở Xuân, cũng vẫn là người Dao đỏ. Sáng sớm, Đại úy Thọ - Đội trưởng Đội vận động quần chúng vừa giải thích với chúng tôi trên đường ra chợ...
Chúng tôi dừng chân ở hàng ăn của ông Tẩn Phủ Cuổi (đọc theo tiếng Dao, nếu theo mặt chữ Hán và phiên âm theo âm Hán Việt là Đặng Phú Quý). Ông Cuổi vốn là Bí thư xã Sì Lở Lầu đã về hưu, bán hàng ăn ngày chợ phiên. Ông cho biết, khu vực này có ba chợ. Chợ thứ nhất là chợ Dền Suối Thàng, họp vào thứ bảy hàng tuần. Chợ thứ hai là chợ đường biên, giáp cột mốc số 70, họp vào thứ tư và chợ Sừng Gia Khâu này. Theo ông, chợ Sừng họp đã hàng trăm năm nay, từ hồi ông còn bé, hỏi ông nội ông, cũng không biết là từ bao giờ, người Dao hai bên biên giới Việt - Trung qua lại rất đông.
Dulichgo
Gọi là chợ Sừng, là bởi chợ họp vào ngày hai con có sừng trong 12 con giáp là con dê (ngày Mùi) và con trâu (ngày Sửu). Vậy là cứ sáu ngày chợ họp một lần. Nếu tính theo tuần, thì chợ họp lùi ngày, thí dụ tuần trước họp chủ nhật, thì tuần sau họp vào thứ bảy, rồi lại thứ sáu tuần sau nữa, lùi vòng quanh như thế, rất dễ nhớ.
Sau mùa thảo quả, khoảng từ tháng tám âm lịch trở đi, là chợ họp đông đúc cho đến tận tháng Giêng, tháng hai âm. Ở xã Dào San trước đây cũng họp “chợ sừng” như thế, nhưng bây giờ để tiện lợi cho việc quản lý, chính quyền ở đây đã quy định chợ họp vào chủ nhật hàng tuần. Thế là hai phiên “chợ sừng” hiếm hoi trong cả nước thì đã mất “bản sắc” một phiên, còn lại duy nhất chợ Sừng Gia Khâu vẫn họp đều đặn theo phong tục như thế!
Bản sắc vẹn nguyên...
Khoảng bảy giờ sáng, trên con đường vào chợ, nằm giữa trung tâm bản Gia Khâu, cách đường biên ba cây số, đã ken đặc người và xe máy trong sương sớm mờ mờ. Người Mông, người Hà Nhì từ Dào San, Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử lên. Người Dao đỏ ở bên Sì Lở Xuân sang. Đúng là ở trên đất người Dao đỏ có khác, tràn ngập sắc đỏ rực rỡ (tông đỏ - lam trên nền đen) từ hoa văn quần áo của các bà, các cô đi chợ trong vòng một cây số.
Phụ nữ Dao đỏ ăn mặc áo đen, có diềm vạt hoa văn đỏ đính bông ngù đỏ, quần cũng đặc hoa văn đỏ, hai ống tay áo và yếm trước bụng phối mầu lam thêu hoa văn đỏ rất khéo. Trên đầu tóc chuốt sáp ong rồi quấn ngược lên, bọc một chiếc khăn hình chóp nhọn hoắt rồi chụp lên một chiếc khâu có gài trâm bạc. Một số bà già còn buộc khăn mầu đỏ lên cái chóp đặc trưng này. Người phụ nữ Dao không thích trang sức bằng vàng, chỉ thích tích trữ trang sức bạc và tiền Đông Dương cũ (đồng bạc trắng hoa xòe). Có người ở bản Lản Nhì Thàng, trồng được nhiều thảo quả, có lắm tiền, một lần đi chợ sắm hàng chục triệu tiền đồ bạc trắng...
Từng đi nhiều vùng ở miền núi Tây Bắc nước ta, tôi thấy rằng hình như ở những chốn càng thâm sơn cùng cốc, ít có khách du lịch tới, ít bị thương mại hóa thì bản sắc dân tộc trong văn hóa, tập tục ở những nơi đó càng được bảo tồn tự nhiên nguyên vẹn. Cùng một cung địa lý so với bên Lào Cai. Nhưng người Dao đỏ, người Mông ở Sa Pa so với người cùng chủng tộc ở đây đã khác nhiều lắm, mà đánh giá rằng hay rằng dở thật khó. Chỉ thấy nơi này gần như không có khách du lịch, trên bản đồ dân “phượt” cả Tây cả ta cũng chưa thấy.
< Con suối phân thủy biên giới, người dân Trung Quốc đang đi chợ.
Dulichgo
Đại bộ phận người Dao đi chợ ở đây nói tiếng Dao pha Quan Hỏa, rất nhiều người không nói được tiếng Kinh, Đại úy biên phòng Thọ phải dịch cho chúng tôi. Bà con đi chợ ngày phiên, vừa để mua bán, vừa để giao lưu gặp gỡ, thăm hỏi nhau từ các bản xa. Cánh thanh niên gặp nhau thì đãi nhau chân gà nướng, bánh rán bột mỳ. Người già gặp nhau thì mải tâm sự, quên cả bán hàng...
Ngoài những hàng hóa mang từ Trung Quốc sang và hàng hóa gia dụng đem dưới xuôi lên, có rất nhiều loại lâm thổ sản, hoa quả rừng, có loại trông giống quả dâu da, hoặc quả ớt kỳ hình dị dạng, tên gọi không dịch ra được tiếng Việt. Có cả những loại đậu phụ lên men (đậu phụ “nhự” hay đậu phụ “thối”) theo cách cổ truyền của người Dao mà các chiến sĩ biên phòng gọi đùa là trông giống... cục phân chó. Nhưng nếu ăn quen được thì rất ngon và tốt cho tiêu hóa...
Đi chơi chợ một hồi, mỏi chân, đói bụng, chúng tôi tạt vào một hàng chân gà nướng và bánh rán bột mỳ ăn đỡ. Thọ bảo, món này thì người xuôi mới lên ăn được. Chứ cái món đậu phụ “thối” kia muốn thử phải ở đây dăm bữa nửa tháng cho bụng dạ quen dần thì mới xơi được. Thiếu phụ bán hàng khá xinh đẹp, tên là Lý Tả Mẩy, hỏi gì cũng cười. Người bạn đi cùng tôi ngạc nhiên hỏi Đại úy Thọ là sao từ nãy giờ hỏi tên phụ nữ Dao, ai cũng xưng tên là Mẩy thế. Nghe giải thích hóa ra phụ nữ Dao ở đây ai cũng tên là... Mẩy hết. Chỉ phân biệt theo họ và thứ tự sinh ra là Tả, Lở, San, Sử, Ú, Lụ... (nhất, nhị, tam, tứ, ngũ lục...). Thí dụ Lý Tả Mẩy là cô con gái cả họ Lý, Tẩn San Mẩy là cô gái thứ ba nhà họ Tẩn. À ra thế, bạn tôi bảo, thì cũng như dưới xuôi mình gọi là gái, hay nữ chứ gì. Khác nhau là khác nhau về cách gọi, còn con người thì ở đâu chẳng như nhau. Biết là để biết thêm sự phong phú khác biệt. Mà giờ, để biết thêm những sự khác biệt kỳ thú ấy, ngày càng phải đi xa...
Theo Vũ Lâm (Báo Nhân Dân)
Du lịch, GO!
Chót vót Sì Lờ Lầu
Sì Lờ Lầu - Chơ phiên trên mười hai tầng lầu...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đăng nhận xét