(Tiếp theo) - Sơn Đoòng hiện ra trong hành trình tiếp theo đầy thử thách, thú vị với vô số nguy hiểm và cảnh quan mê hoặc, xứng đáng với nhận xét là tour mạo hiểm, độc đáo bậc nhất thế giới và 'đáng đồng tiền bát gạo' bỏ ra.
< Sương khói mờ ảo trong Sơn Đoòng.
Rời hang Én
Sau bữa sáng tại khu cắm trại hang Én, chúng tôi thu dọn lều bạt, đồ đạc để tiếp tục hành trình chinh phục Sơn Đoòng. Hướng đi vào phía trong bóng tối hang Én.
Đến giờ xuất phát, tất cả cùng bật đèn pin gắn trên mũ bảo hộ và tiếp bước nhau. Đoàn lội qua con suối rồi men theo các khối đá leo lên phía trên cao mất chừng 15 phút thì đến khu cửa sau hang Én với vòm cửa hang rộng lớn tỏa ra sâu và xa phía dưới.
Đây chính là một trong những nơi quan trọng được các nhiếp ảnh gia ghi hình để sử dụng làm thương hiệu mà bấy lâu nay chúng ta bắt gặp trên truyền thông. Từ hình ảnh trên truyền thông giờ được bước vào thế giới thực đem lại cho tôi cảm giác vô cùng thú vị.
< Vượt qua nhiều đoạn suối.
Ghi hình xong, chúng tôi bám vào vách đá tụt xuống dưới nền hang để đi tiếp ra ngoài cửa. Từ đó, đoàn lội theo con suối ngoằn ngoèo mà người địa phương gọi Rào Mạ của Khe Đoòng. Đoàn cứ thế đi, lúc trên cạn, lúc băng qua dòng suối, lúc bám ven bờ suối, mất khoảng 45 phút thì đến chỗ suối chui tọt vào dưới các khối đá gọi là Nước Lặn.
< Sau khi vượt qua nhiều suối, nhiều dốc cao, khe đá, đoàn đến bãi bằng tập kết chuẩn bị đồ ngay trước lối xuống cửa động Sơn Đoòng. Hơi nước từ động Sơn Đoòng tỏa ra trắng toát một vùng, đúng như lời ông Hồ Khanh kể lại với đoàn thám hiểm trước khi tìm ra động.
Dulichgo
Tới đây đoàn lên bờ nghỉ chân và bắt đầu chặng leo dốc núi, khu vực này có khá nhiều cây Nàng Hai, nếu không cẩn thận bị vướng vào lại ngứa cả tuần.
< Các chuyên gia chuẩn bị, kiểm tra lại các thiết bị an toàn để xuống động Sơn Đoòng.
Chúng tôi bám đá leo từng bước một lên dốc, nhiều đoạn gần như dựng đứng, chừng 25 phút thì đến điểm tập kết ở khu vực ngoài cửa Sơn Đoòng. Chỗ này là một khoảnh đất nhỏ khá bằng phẳng, đứng ở đó không thấy được cửa động lớn nhất thế giới nằm phía dưới nhưng dễ dàng nhận biết vì hơi sương tỏa ra mù mịt cả một vùng. Đây chính là dấu hiệu mà Hồ Khanh, người phát hiện ra động đã kể lại với đoàn thám hiểm người Anh để tiến hành tìm kiếm sau đó.
< Len qua các khe đá đến cửa Sơn Đoòng.
Xuống động
Chúng tôi lưu lại đây khá lâu, vừa để ăn trưa nghỉ ngơi lấy sức chuẩn bị cho chặng khó nhất vừa để các chuyên gia kiểm tra các dây thừng, đai lưng an toàn. Sau đó, 3 chuyên gia mang theo thiết bị an toàn xuống trước để lắp đặt và kiểm tra lại hệ thống; khi đã ổn họ mới ra hiệu cho mọi người xuống cùng với những chuyên gia khác. Có 2 dây thừng, 1 được neo chặt từng đoạn trong các vách đá và 1 thả lỏng để khách bám vào.
< PV Thanh Niên chuẩn bị đu dây từ gần miệng cửa xuống nền Sơn Đoòng.
Dulichgo
Từ thời điểm này, quy trình an toàn được đặt lên mức cao nhất. Trên đai đeo lưng của mỗi người có 2 dây với móc khóa và 2 móc này được di chuyển liên tục với nhau; mỗi khi qua các điểm nút của dây thừng neo vào vách đá thì phải chuyển lần lượt từng móc từ bên này sang bên kia, đảm bảo lúc nào cũng phải có 1 cái móc vào dây an toàn.
Cứ thế chúng tôi di chuyển từng đoạn từng đoạn xuống phía dưới, lách người qua các khe đá nhỏ, tiếp tục tụt xuống thì chạm đến cửa Sơn Đoòng và cũng đồng nghĩa với độ khó tăng lên gấp bội.
Lọt qua cửa hang một đoạn, nhìn xuống chỉ một màu đen hun hút, mặc dù trên đầu tôi đang có đèn rọi xuống và đèn của một số người đã xuống trước cũng như của chuyên gia tại các điểm nút đang tỏa sáng. Ánh đèn cực sáng nhưng chỉ đủ soi đến mấy mỏm đá nhô ra gần tôi. Đã từng đu dây xuống khảo sát động Thiên Đường nhưng lần này vẫn khiến cho tôi có cảm giác rờn rợn.
< Bám dây vượt qua suối chảy xiết trong lòng động.
Tôi cố tập trung vào điểm gần với những sợi dây an toàn để tiếp tục neo người xuống chứ càng tò mò đến màn đêm ở dưới càng đẩy mình vào tâm lý không ổn định. Mất khoảng 20 phút bám theo các vách đá sâu khoảng 80 m thì đoàn xuống đến nền động. Sự lo lắng biến mất thay vào đó là cảm giác sung sướng vì chinh phục được màn mạo hiểm.
Đoàn tiếp tục len qua các khối đá di chuyển vào trong, dọc đường tôi bắt gặp những khối bùn sét đông cứng lại có thể nhào nặn thành bất cứ vật gì, hay các khe nứt tạo thành vân đá rất đẹp.
< Thạch nhũ hình “bàn tay chó” ở gần giếng trời 1.
Dulichgo
Tiếp đến, đoàn băng qua dòng suối chảy xiết, để đảm bảo an toàn thì một sợi dây thừng màu đỏ cam được néo từ bên này bờ sang bên kia và nối dài lên trên vách đá cao. Vì bên kia bờ là cả vách đá, phải leo lên trên đó khá nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy nhỏ sẽ bị nước cuốn ngay điểm chảy xiết nhất. Lên được rồi, di chuyển qua các khối đá, sau đó băng qua tiếp đoạn suối nữa bằng dây neo an toàn, lại bám đá leo lên phía trên một lúc nữa thì thấy ánh sáng của giếng trời thứ nhất (doline 1) đổ xuống.
< Tiến đến bãi cắm trại đầu tiên trong Sơn Đoòng, gần với giếng trời 1. Cảnh sinh hoạt thanh bình trong khu cắm trại.
Từ vị trí này thấy được “bàn tay chó”, đó là khối thạch nhũ có hình thù bàn tay khi nó được quan sát từ trong tối còn phía sau là nền sáng của giếng trời. Chúng tôi tiếp tục bám đá leo xuống phía dưới, trườn qua các khe đá hẹp, khi thì các mỏm đá trơn và hố sụt để hướng đến bãi cắm trại đầu tiên trong Sơn Đoòng.
Bãi cắm trại là khoảnh thạch nhũ khá bằng phẳng nằm ở lưng chừng động, tưởng tượng như cái ban công của ngôi nhà 2 tầng, trên mặt có đất cát mịn màng; phía ngoài ban công, sâu xuống dưới là vực thẳm, có nước róc rách. Cách chỗ này không xa nữa là giếng trời. Lúc này đã gần 16 giờ chiều, ánh sáng từ giếng trời đổ xuống mờ nhạt trong làn khói sương tạo nên khung cảnh huyễn hoặc mà ấm cúng đến lạ lúc chiều tà.
Ở trong hang, giờ giấc sinh hoạt không như ở bên ngoài, nhất là nơi phố thị, mọi thứ sớm hơn bình thường vì thiếu ánh sáng. Trong này tất cả gần như trở về thời nguyên thủy. Vì thế, nếu để ý sẽ thấy thời gian trôi rất chậm. Tôi trải qua bữa tối thứ 2 trong lòng động nhưng lần này hoàn toàn khác bởi vì đây đã là Sơn Đoòng - động lớn nhất thế giới trong thời điểm hiện tại. Ngồi ăn trong không gian kỳ vĩ, xung quanh nào là những măng đá, thạch nhũ đủ hình thù thì quả có một không hai. Giếng trời bên kia, ánh sáng lọt qua miệng giếng yếu dần cho đến lúc trong hang tối om, chỉ còn thấy miệng giếng là một đốm sáng mờ mờ.
Còn tiếp
Chinh phục Sơn Đoòng - Kỳ 1
Chinh phục Sơn Đoòng - Kỳ 2
Chinh phục Sơn Đoòng - Kỳ 3
Chinh phục Sơn Đoòng - Kỳ 4
Theo Trương Quang Nam (Thanh Niên)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đăng nhận xét